Đề tài Giải pháp Rèn kĩ năng đọc diễn cảm cho học sinh Tiểu học

Đề tài Giải pháp Rèn kĩ năng đọc diễn cảm cho học sinh Tiểu học

Trong các môn học quy định hiện nay ở bậc Tiểu học thì phân môn Tập đọc là phân môn có tính tổng hợp. Phân môn Tập đọc không những dạy học sinh biết đọc mà còn giúp học sinh có được các kiến thức Tiếng Việt, văn học, đời sống hàng ngày. Qua các bài tập đọc còn giáo dục tình cảm cho các em. Như vậy phân môn Tập đọc có nhiệm vụ to lớn trong việc hình thành, bồi dưỡng tâm hồn cho các em. Giúp các em hào hứng phấn khởi tự tin hơn trong môn học và hỗ trợ đắc lực cho việc tiếp thu các môn học khác. Ngoài ra, còn giúp cho các em có thêm kĩ năng giao tiếp trong cuộc sống. Để thực hiện nhiệm vụ của phân môn Tập đọc thì giáo viên phải làm thế nào để giúp học sinh thực hiện tốt cả 3 yêu cầu (đọc đúng, hiểu nội dung bài, đọc diễn cảm). Vậy để dạy một giờ tập đọc thành công trong đó có phần luyện đọc diễn cảm chiếm vai trò không nhỏ thì đòi hỏi người giáo viên tìm ra những phương pháp tối ưu nhất để giúp học sinh đọc hay.

 

doc 8 trang Người đăng duongtran Lượt xem 1678Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề tài Giải pháp Rèn kĩ năng đọc diễn cảm cho học sinh Tiểu học", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 Sáng kiến
Giải pháp Rèn kĩ năng đọc diễn cảm
cho học sinh Tiểu học
 A - Đặt vấn đề 
Trong các môn học quy định hiện nay ở bậc Tiểu học thì phân môn Tập đọc là phân môn có tính tổng hợp. Phân môn Tập đọc không những dạy học sinh biết đọc mà còn giúp học sinh có được các kiến thức Tiếng Việt, văn học, đời sống hàng ngày. Qua các bài tập đọc còn giáo dục tình cảm cho các em. Như vậy phân môn Tập đọc có nhiệm vụ to lớn trong việc hình thành, bồi dưỡng tâm hồn cho các em. Giúp các em hào hứng phấn khởi tự tin hơn trong môn học và hỗ trợ đắc lực cho việc tiếp thu các môn học khác. Ngoài ra, còn giúp cho các em có thêm kĩ năng giao tiếp trong cuộc sống. Để thực hiện nhiệm vụ của phân môn Tập đọc thì giáo viên phải làm thế nào để giúp học sinh thực hiện tốt cả 3 yêu cầu (đọc đúng, hiểu nội dung bài, đọc diễn cảm). Vậy để dạy một giờ tập đọc thành công trong đó có phần luyện đọc diễn cảm chiếm vai trò không nhỏ thì đòi hỏi người giáo viên tìm ra những phương pháp tối ưu nhất để giúp học sinh đọc hay.
 B. Giải quyết vấn đề
“ Đọc diễn cảm” là hình thức đọc thành tiếng một cách rõ ràng, chính xác có ngữ điệu đọc phù hợp với nội dung văn bản, nhằm truyền cảm được nội dung bài đọc đến người nghe. Để thực hiện tốt phần luyện đọc diễn cảm, trước hết giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh thực hiện tốt phần đọc đúng, hiểu được nội dung của đoạn, bài đọc. Sau đó giáo viên mới hướng dẫn học sinh đọc diễn cảm. Tôi xin đưa ra một số phương pháp và điểm cần lưu ý khi rèn luyện kĩ năng đọc diễn cảm cho học sinh Tiểu học.
 1/ Phương pháp rèn luyện đọc diễn cảm:
 a, Ngắt nghỉ giọng đọc đúng lúc, đúng chỗ, bộc lộ được ý tứ, nội dung bài đọc.
 Khi đọc bài văn xuôi, ngắt giọng phải phù hợp với ranh giới ngữ đoạn. Khi đọc một bài thơ, chỗ ngắt nhịp phải tương ứng với chỗ kết thúc một tiết đoạn. Sự phân chia lời ở dạng nói được hình thức hoá ở chỗ ngắt giọng, sự phân chia lời ở dạng viết được hình thức hoá bằng dấu câu. Chỗ ngắt giọng cũng là một căn cứ để người nghe xác định được ý nghĩa từ vựng, ngữ pháp nội dung bài đọc. Vì thế trước khi dạy một bài đọc cụ thể, giáo viên cần dự tính những chỗ học sinh hay ngắt giọng sai để xác định điểm cần luyện ngắt giọng. Sau đây là một số ví dụ:
 Ví dụ 1:
Trời xanh / đây / là của chúng ta//
Núi rừng / đây / là của chúng ta.//
 (Đất nước, TV , tập II)
Cần hướng dẫn học sinh ngắt nhịp 2/ 1/ 4 để phản ánh được dụng ý điệp chủ ngữ nhằm nhấn mạnh, khẳng định quyền làm chủ, quyền sở hữu “trời xanh” nêu bật cảm xúc tự hào của tác giả.
Ví dụ 2: “ Có tiếng người đi, / rồi bà/ mái tóc bạc phơ,/ chống gậy trúc ở ngoài vườn vào.// Bà ngừng nhai trầu/ đôi mắt hiền từ dưới làn tóc trắng nhìn cháu,/ âu yếm và mến thương.// Thanh đi,/ người thẳng,/ mạnh,/ cạnh bà lưng đã còng.”//
(TV4, tập I)
Cần chú ý ngắt hơi ở các dấu phẩy và kết hợp đọc nhấn giọng ở các từ gợi tả, gợi cảm làm nổi bật lên điều đẹp đẽ ở người bà: rất ân cần, hiền từ, âu yếm, mến thương cháu.
 b, Nhịp điệu đọc thay đổi lúc chậm rãi, lúc dồn dập - khẩn trương phù hợp với nội dung bài đọc:
	Bên cạnh việc hướng dẫn học sinh ngắt giọng thể hiện đúng quan hệ ngữ nghĩa - ngữ pháp còn cần phải dạy cho học sinh tốc độ đọc đúng, ngắt giọng biểu cảm, là chỗ đọc nhanh hoặc ngừng lâu hơn bình thường hay chỗ dừng không do lô-gíc ngữ nghiã mà do dụng ý của người đọc nhằm gây ấn tượng về cảm xúc, nhằm tạo nên những chỗ ngừng “gây bão tố”, tập trung sự chú ý của người nghe vào những từ ngữ sau chỗ ngừng, những từ ngữ mang trọng âm ngữ nghĩa.
Ví dụ 1:
	Sông La / ơi sông La
Trong veo / như ánh mắt
Bè đi / chiều thầm thì
Gỗ lượn / đàn thanh thả.
 (Bè xuôi sông La, TV4, tập 2)
	Chọn cách ngắt nhịp “Sông La/ ơi sông La” để “ơi” được ngân dài tha thiết, làm nổi bật cách nhân hoá sông La bằng cách gọi tên, giúp biểu hiện tình cảm thân thương của tác giả với con sông quê hương: vẫn nhịp 2/ 3 “ bè đi/ chiều thầm thì” làm cho câu thơ sống động hơn với nhiều đối tượng được miêu tả, nhiều hoạt động và không hạn chế thời gian “Bè đi” mà tạo một kết hợp bất thường “chiều thầm thì” cho thời gian cất lên thành lời.
Ví dụ 2 : 
“ Dân quân chạy đầy đường, đủ thứ vũ khí: đinh ba, dao phát, cuốc, súng  tất cả đều hoa lên với những tiếng gào thét dữ dội.”
(Bắt giặc lái Mỹ - TV5).
	Với bài văn trên cần đọc giọng nhanh dồn dập, khẩn trương,  thể hiện được khí thể của dân quân bắt giặc lái Mỹ.
 c, Cường độ đọc nhấn mạnh hay lướt nhẹ, âm lượng phát ra to hay nhỏ: 
	Khi giảng dạy giáo viên cần chú ý đến thể loại văn thơ, truyện và nội dung (ý nghiã) của bài học để có phương pháp hướng dẫn học sinh luyện đọc diễn cảm một cách cụ thể và chính xác nhất. Không đọc quá chậm, quá nhanh hoặc đọc liến thoắng đều làm cho người nghe khó theo dõi. Âm lượng đọc (độ to nhỏ của giọng đọc) phải phù hợp không nhỏ quá hoặc to quá; vì thế cần hướng dẫn học sinh điều chỉnh âm lượng ở từng từ ngữ, câu, đoạn, bài cho phù hợp với nội dung bài học và ẩn ý của tác giả được gửi gắm sâu kín sau lớp vỏ ngôn từ.
Ví dụ 1:
Mai sau /
Mai sau/
Mai sau/
Đất xanh/ tre mãi/ xanh màu tre xanh.//
(Tre Việt Nam -TV5)
ở khổ thơ trên cần đọc với giọng nhẹ nhàng, thể hiện đuợc dụng ý của tác giả trong cách ngắt nhịp, cách ngắt dòng độc đáo. Sự trùng điệp của ba dòng thơ “mai sau” có một giá trị biểu đạt đặc biệt: ý thơ âm vang bay bổng, câu thơ ngợi ca phong phú sự trường tồn của tre, của con người Việt Nam, của truyền thống cao đẹp về con người Việt Nam.
 Ví dụ 2:
	Các từ được gạch chân trong đoạn văn sau cần đọc nhấn mạnh hơn để thể hiện rõ vẻ đẹp của chú chuồn chuồn nước.
	“Ôi chao/ chú chuồn chuồn nước mới đẹp làm sao!// Màu vàng trên lưng chú lấp lánh.// Bốn cái cánh mỏng như giấy bóng.// Thân chú nhỏ/ và thon dài như màu vàng của nắng mùa thu.’//
	 	(Con chuồn chuồn nước - TV4, tập I)
 d, Giọng đọc lên cao hay xuống thấp.
 Để thực hiện được yêu cầu này, trong giờ tập đọc giáo viên không nên xem nhẹ khâu nào ( từ đọc đúng - đọc hiểu - đến đọc diễn cảm) ; thưc chất cả ba quá trình đọc này có mối quan hệ chặt chẽ và biện chứng với nhau để đạt tới cái đích cuối cùng trong một giờ tập đọc.
 Tuy vậy, để học sinh có giọng đọc (ngữ điệu ) phù hợp, chính xác cần phải thực hiện tốt kĩ năng đọc hiểu như : hiểu nghĩa từ, tìm được “từ khoá”, “câu khoá” trong bài, tóm tắt được nội dung của đoạn, bài; phát hiện ra những yếu tố văn và giá trị của chúng trong việc biểu đạt nội dung. Cần chú ý đến các biện pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng trong văn thơ như : nhân hoá, so sánh, điệp từ, điệp ngữ, đảo ngữ
Ví dụ 1:
Ơi!/ Việt Nam!/ Việt Nam ơi!//
Việt Nam!/ Ta gọi tên người tha thiết!//
 (Việt Nam - TV5, Tập 1) 
ở hai câu thơ trên, tác giả sử dụng điệp từ “Việt Nam”, điệp từ ở đây có biến đổi trật tự từ, lặp lại từ “Việt Nam” ba lần; vì thế giáo viên cần hướng dẫn học sinh luyện đọc với giọng đi lên ở cuối dòng thơ thứ nhất và đi xuống ở đầu dòng thơ thứ hai để tạo nên một âm điệu sâu lắng, tha thiết, bộc lộ rõ tình cảm sâu nặng đối với đất nước
Ví dụ 2:
Đọc những câu sau, lời dẫn trhuyện đọc thấp, lời tên (Chúa tàu) giọng đọc lên cao và dằn giọng, còn lời bác sĩ (Ly) giọng đọc điềm tĩnh nhưng dứt khoát.
Chúa tàu trừng mắt nhìn bác sĩ, quát :
Có câm mồm không ?
Bác sĩ điềm tĩnh hỏi :
Anh bảo tôi phải không ?
Khi tên Chúa tàu cục cằn bảo phải, bác sĩ nói :
Anh cứ uống rượu mãi như thế thì đến phải tống anh đi nơi khác.
 (Khuất phục tên cướp biển, TV 4, tập 2)
 e, Thay đổi sắc thái giọng đọc:
 Thông qua giọng đọc có thể biểu hiện được những sắc thái tình cảm đa dạng của con người như : buồn, yêu, ghét, lo lắng, hờn giận, khinh bỉ, hóm hỉnh, phẫn nộ
Ví dụ 1 :
Bài thơ “Cái trống trường em" (Tiếng Việt 2) khi đọc cần bộc lộ sự gắn bó, biết chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của các bạn học sinh với cái trống trường thân thương. Biện pháp nghệ thuật nổi bật ở bài thơ là phép nhân hoá.
Cái trống trường em //
Mùa hè cũng nghỉ //
Suốt ba tháng liền //
Trống nằm ngầm nghĩ.//
Kìa trống đang gọi //
Tùng!/ Tùng!/ Tùng!/ Tùng!//
Vào năm học mới //
Gọi vang tưng bừng.//
ở khổ thơ 1, sắc thái giọng đọc cần thể hiện sự chờ đợi cái trống trong mùa hè; đọc nhấn giọng: suốt, ngẫm nghĩ. ở khổ thơ thứ 2, cần đọc giọng sôi nổi, dồn dập; diễn tả tiếng trống vui náo nức trong ngày khai giảng Tùng! Tùng! Tùng! Tùng! (ngắt nhịp 1/1/1/1 )
Ví dụ 2 :
“Đàn bò tràn lên phủ vàng rực cả sườn đồi. Nom những cái mõm ngoạm cỏ sao mà ngon thế! Nhẫn như cảm thế rõ rệt mùi rễ non thơm phảng phất, mùi lá non ngan ngát, cay cay xen lẫn vị ngọt ngào nồng nồng của nhựa mới.”
 (Cỏ non - Hồ Phương)
Với đoạn văn trên, giọng đọc cần gợi tả tâm trạng anh Nhẫn rất vui và xúc động vì thấy đàn bò được ăn cỏ non một cách ngon lành, cần nhấn giọng các từ ngữ : vàng rực, sao mà ngon thế, thơm phảng phất, ngan ngát, cay cay, ngọt ngào nồng nồng.
 g, Nét mặt, điệu bộ trong khi đọc:
Khi cần thiết nếu biết thể hiện nét mặt, điệu bộ một cách tự nhiên, phù hợp với nội dung văn bản thì sẽ góp phần tạo nên sự truyền cảm đối với người nghe.
Ví dụ 1:
Tin đâu sét đánh làng em//
Bác không còn?//
Bác không còn?//
Bác ơi!//
Cả làng không hẹn,/ không mời.//
Bước chân tụ lại/ một nơi - giếng đình.//
Cúi đầu,/ tay nắm vòng quanh//
Đỏ hoe bờ giếng ân tình - Bác ơi!//
 (Giếng nước Bác Hồ - Phan Thị Thanh Nhàn).
 Khi đọc khổ thơ trên cần thể hiện tình cảm đau xót trước tin Bác mất, nhớ thương Bác da diết. Chú ý cách ngắt nhịp đặc biệt ở các câu 
“ Bác không còn?/ Bác không còn?/ Bác ơi!//” để nhấn mạnh nỗi đau xót quá lớn không thể tin được nhưng là sự thật.
 Ví dụ 2 :
Khị đọc đoạn văn sau cần thể hiện giọng đọc, dáng điệu khi thì tỏ vẻ chậm chạp, nặng nề (nói đến xe Lu) khi tỏ vẻ nhanh nhẹn, xem thường (nói đến xe ca).
“ Xe lu và xe ca cùng đi trên đường với nhau. Thấy xe lu đi chậm, xe ca chế:
 - Cậu như con rùa ấy! Xem tớ đây này!
Nói rồi, xe ca phóng vụt lên, bỏ xe lu ở tít đường sau. Xe ca tưởng mình thế là giỏi lắm.”
 (Xe lu và xe ca- TV 2)
 2. Phân loại văn bản khi rèn kĩ năng đọc diễn cảm cho học sinh Tiểu học.
 a. Với loại văn miêu tả: 
 Văn miêu tả là loại văn dùng để tả sự vật, hiện tượng hoặc con người một cách cụ thể, sinh động như đang hiện lên trước mắt người đọc. Trong các bài tập đọc ở Tiểu học có nhiều bài thuộc văn miêu tả như : Ông tôi (TV3), Bà tôi (TV5) là những bài tả người . Chú trống choai (TV3), Con chuồn chuồn nước (TV4) là những bài miêu tả con vật. Cánh đồng lúa chín ( TV2 ), Rừng cọ quê tôi (TV4 ) là những bài tả phong cảnh.
 Khi đọc văn miêu tả cần đọc nhấn giọng ở các từ ngữ nổi bật có tác dụng miêu tả đường nét, màu sắc, hình ảnh, đặc điểm của sự vật. 
 Trong văn miêu tả (cũng như văn xuôi nói chung) dấu phẩy, dấu chấm chính là những dấu ngắt nhịp khi đọc. Dấu phẩy ngắt một nhịp (/), dấu chấm ngắt hai nhịp (// ). Ngoài ra trong câu có những vị trí tuy không có dấu câu song vẫn phải ngắt nhịp để ý nghĩa đọc lên rành mạch hơn. 
 Ví dụ:
 “Ngày xưa,/ có hai vợ chồng người nông dân kia/ quanh năm hai sương một nắng,/cuốc bẫm cày sâu.// Hai ông bà/ thường ra đồng từ lúc gà gáy sáng/ và trở về nhà khi đã lặn mặt trời.”// 
 b. Với thơ ca:
 Ngoài các yêu cầu về kĩ thuật đọc đã được trình bày ở phần một, thì cần chú ý đến một số đặc trưng riêng của thơ ca như sau: thơ ca là tiếng nói của tình cảm, phản ánh hiện thực cuộc sống bằng ngôn từ một cách cô đọng, xúc tích, giàu hình ảnh và giàu nhạc điệu.
 Thơ ca có cấu trúc âm thanh, vần điệu tương đối chặt chẽ, theo một số quy tắc riêng tạo thành các thể thơ như: thơ lục bát, thơ song thất lục bát, thơ tự doVì thế khi giảng dạy giáo viên cần nắm vững các thể thơ, để phân định rõ ranh giới các nhịp thơ trong một bài thơ cụ thể.
Ví dụ:
 Ai về/ thăm mẹ/ quê ta//
Chiều nay/ có đứa con xa/ nhớ thầm//
 Bầm ơi/ có rét/ không bầm ?//
Heo heo gió núi,/ lâm thâm mưa phùn.// 
 (Bầm ơi - TV 5, tập 2
 Với đoạn thơ trên, giáo viên cần hướng dẫn học sinh đọc với giọng trầm lắng, thiết tha, phù hợp với việc diễn tả cảm xúc nhớ thương của người con với mẹ. Chú ý hai dòng đầu đọc với giọng nhẹ, trầm, nghỉ hơi dài khi kết thúc.
 c. Với văn nghị luận:
 Văn nghị luận là một loại văn trong đó người viết đưa ra những lí lẽ, dẫn chứng về một vấn đề nào đó nhằm làm cho người đọc hiểu, tin, tán đồng ý kiến của mình về hành động theo những vấn đề mình đề xuất. Vì thế khi đọc văn nghị luận, giọng đọc phải rắn rỏi, dứt khoát, cần nhấn giọng ở những câu chủ đề, ở những từ ngữ có tác dụng liên kết. Cần ngắt giọng một cách rõ ràng giữa các đoạn trong bài văn nghị luận . “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước.// Đó là truyền thống quý báu của ta.// Từ xưa đến nay,/ mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng,/ thì tinh thần ấy lại sôi nổi,/ nó kết thành một lần sóng vô cùng mạnh mẽ,/ to lớn,/ nó lướt qua mọi sự nguy hiểm,/ khó khăn,/ nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.”//
 (Tinh thần yêu nước của nhân dân ta)
 d. Với văn kể chuyện:
 	Văn kể chuyện là một loại văn dùng để kể lại một câu chuyện, một sự kiện, một con ngườitrong đời sống thực tế xã hội hoặc trong trí tưởng tượng, qua sự sắp xếp, nhào nặn, hư cấu của người viết. Vì thế khi luyện đọc diễn cảm văn kể chuyện cần chú ý các điểm sau:
 	Cần có nhịp điệu và sắc thái giọng đọc khác nhau khi đọc lời kể của tác giả và lời của nhân vật. Lời kể của tác giả có tác dụng dẫn dắt người đọc, người nghe theo dõi diễn biến của câu chuyện. Giọng đọc của nhân vật phụ thuộc vào tính cách của nhân vật và tuỳ theo từng ngữ cảnh cụ thể. Nói chung, người đọc phải nhập vai vào từng nhân vật trong truyện .Cần phối hợp giọng đọc với nét mặt, cử chỉ, điệu bộ trong khi đọc một cách nhịp nhàng. Qua thức tế dạy học, chúng tôi nhận thấy rằng: Tập đọc là một phân môn thực hành; nhiệm vụ quan trọng nhất của nó là hình thành năng lực đọc cho học sinh. Năng lực đọc được tạo nên từ bốn kĩ năng bộ phận cũng là bốn yêu cầu về chất lượng của “đọc” đó là: Đọc đúng, đọc nhanh (đọc lưư loát, trôi chảy ), đọc có ý thức (thông hiểu được nội dung nhưng điều mình đọc hay còn gọi là đọc hiểu ) và đọc hay ( mà ở mức độ cao hơn là đọc diễn cảm). Cũng cần phải hiểu kĩ năng đọc có nhiều mức độ khác nhau, nhiều tầng bậc khác nhau.
 C. Kết thúc vấn đề
Sau khi áp dụng biện pháp trên vào giảng dạy luyện đọc diễn cảm cho học sinh trong phân môn Tập đọc, tôi thấy chất lượng giờ học của các em tăng lên rõ rệt. Nó kích thích các em học tập, không những thế con gây được sự ham mê đọc sách các môn học khác. Bởi vậy tôi rút ra kinh nghiệm sau :
1.Trước khi cung cấp cách đọc diễn cảm cho học sinh, giáo viên phải nắm được cách đọc của loại văn bản đó. Giáo viên đọc mẵu và đặt ra câu hỏi vì sao đọc như thế, chỗ nào trong cách đọc của cô giáo làm em thích.
2. Yêu cầu học sinh luyện đọc cá nhân.
3. Yêu cầu học sinh luyện đọc theo nhóm (có thể đọc phân vai để làm sống lại nhân vật của tác phẩm).
 4. Tổ chức thi đọc diễn cảm cho học sinh.
 Cuối cùng rất mong sự góp ý của đồng nghiệp về phương pháp, hình thức đọc diễn cảm trong phân môn Tập đọc ở trường Tiểu học. Mong những năm học sau tôi có thêm những kinh nghiệm giảng dạy nhằm bồi dưỡng tình yêu cái đẹp, cái thiện, lòng yêu mến và thói quen giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trong mỗi học sinh.
 Tôi xin chân thành cảm ơn!
 Thụy Việt, ngày 28 tháng 5 năm 2010
 Người viết
 Khúc Thị Diên
Xác nhận của nhà trường
.

Tài liệu đính kèm:

  • docRen doc cho hoc sinh.doc